Tin sâu nhân quả

Tin vào nhân quả, tin vào vận mệnh. Trong mệnh đã có thì ắt nhất định sẽ có, thậm chí muốn mất cũng không mất được, người khác muốn giành, muốn đoạt, cũng không được. Nếu như người khác có thể tranh giành, cướp đoạt được thì đó là trong mệnh không có. Cho dù bị người đoạt mất, chính mình vẫn an nhiên vô sự, tâm luôn giữ bình lặng, luôn duy trì an vui, đây là sự hưởng thụ của nhân sinh. 

(Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 02-037-0356)

Nghiệp chướng sâu nặng, dùng phương pháp gì để sám hối nghiệp chướng? Nhẫn nhục Ba-la-mật là một nhân tố quan trọng nhất để sám trừ nghiệp chướng. Nếu không thể nhẫn, nghiệp chướng của bạn vĩnh viễn không thể sám trừ. Gặp người oán hận, đố kị, chướng ngại, hủy báng, chúng ta phải làm sao? Phật dạy bảo chúng ta “an nhiên nhẫn chịu”. Chúng ta tiếp nhận, thành tâm phản tỉnh, có lỗi thì sửa đổi, không có thì tự mình khích lệ cảnh giác.

(Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 02-039-0478)

Tất cả pháp đều là như mộng

“Tri vô”, hai cái chữ này cực kỳ quan trọng. “Tri vô” chính là hiểu rõ tất cả pháp đều không tồn tại, đều là như mộng. Hãy đem hoàn cảnh hiện thực xem như giấc mộng, tâm bạn đã được giải thoát rồi. Được thứ gì cũng chẳng vui mừng - bởi vì đều rỗng không. Mất thứ gì cũng không phiền não - vì giả đó mà, căn bản là chẳng có thứ đó tồn tại. 

Thực hành “quán như trong mộng”, biết rõ mình đang ở trong mộng, chẳng những tất cả mọi thứ trong mộng đều không tồn tại, chỉ là huyễn tướng, mà ngay cả thân thể ta cũng không tồn tại, cũng là cái giả tướng, hết thảy đều không thể nắm giữ. Kết quả như thế nào? Tâm liền tĩnh rồi, liền định rồi, bệnh nóng vội liền không còn nữa, trí tuệ liền khai mở. 

(Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2012 02-040-0437)

Sống trong thế giới biết ơn

Thầy năm xưa dạy tôi rằng, chân chính phát tâm học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, lấy Thích Ca Mâu Ni Phật làm tấm gương, thì cả đời sẽ được chư Phật, Bồ-tát quan tâm chăm sóc, bản thân không cần phải lo lắng bất cứ điều gì. Nói cách khác, thuận cảnh nghịch cảnh đều là do Phật Bồ-tát an bài, đều là công khóa tu học tốt nhất. Trong thuận cảnh không sinh tham luyến, trong nghịch cảnh không khởi sân khuể, mà phải sinh tâm biết ơn. 

(Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú - Giảng lần thứ 4 02-041-0417)

Gặp nghịch cảnh sao lại biết ơn? Người khác hủy báng, chướng ngại ta, đó đều là những công khóa tu hành nhất định phải trải qua, ở trong cái cảnh giới này, nhất định không khởi oán hận hay báo thù. Tại sao phải biết ơn? Vì họ giúp ta tiêu trừ nghiệp chướng. Chúng ta từ quá khứ đến nay tạo tác bao nhiêu nghiệp, làm sao để tiêu trừ nghiệp chướng? Chính nhờ đây mà tiêu nghiệp. Nếu như ta có tâm oán hận, chẳng những nghiệp chướng tiêu trừ không được mà lại còn tăng thêm. Cơ hội tiêu nghiệp chướng đã đến, sao lại có thể không biết ơn? Bạn xem tâm bình lặng biết bao, bất luận là thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, đều là dùng tâm thanh tịnh để đối đãi. 

(Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú - Giảng lần thứ 4 02-041-0417)

Dù một đời này không làm việc ác, nhưng họ đến hủy báng hoặc hãm hại ta, đó chính là đang tiêu nghiệp chướng đời quá khứ của ta. Đời này ta không làm, nhưng khả năng là đời trước ta đã làm, nghiệp chướng tích lũy từ vô lượng kiếp trước đây, ngay trong một đời này đều có thể tiêu trừ - đó là việc tốt chứ không phải việc xấu. Vì thế đối với những người này, nhất định phải có tâm cảm ơn, cả đời này chúng ta đều sống trong thế giới biết ơn.

(Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh 02-034-0160)

Người chân chính học Phật, luôn luôn sống trong thế giới biết ơn, bất luận là thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên. Duyên là nói về hoàn cảnh nhân sự, gặp người thiện người ác, đối với người tu hành chúng ta mà nói, tất cả đều có ân đức. Khi nào bạn đủ khả năng ở trong cái góc độ này mà xem thấy được rõ ràng, cảnh giới của bạn liền không ngừng nâng cao hướng lên, công phu của bạn đắc lực rồi, phiền não nhẹ, trí huệ tăng. 

(Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh 02-034-0142)